Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà đã đánh giá cao hiệu quả của cơ chế hoạt động liên ngành trong "Phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em", dẫn đến số trẻ tử vong do đuối nước giảm dần qua từng năm.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam đang có xu hướng giảm dần qua các năm, mỗi năm giảm từ 3-5%, tương đương với 100 trường hợp trẻ tử vong do đuối nước.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh rằng kết quả này minh chứng cho hiệu quả của cơ chế phối hợp và sự nỗ lực không ngừng của các bộ, ngành, địa phương, và các tổ chức quốc tế.
Trong 5 năm qua, với sự hỗ trợ từ Quỹ Từ thiện Bloomberg và Tổ chức Vận động Chính sách Y tế Toàn cầu, Chương trình Phòng chống Đuối nước cho Trẻ em Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: 30.000 trẻ em từ 6-15 tuổi được dạy bơi, gần 55.000 trẻ được hướng dẫn kỹ năng bơi an toàn, gần 1.000 giáo viên và cán bộ y tế tại các trường được tập huấn, cùng với 900 hướng dẫn viên dạy bơi an toàn ở cộng đồng được đào tạo.
Tuy nhiên, mỗi năm nước ta vẫn còn gần 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi tử vong do đuối nước và đuối nước vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 6-15 tuổi. Tỷ lệ đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương và cao hơn gấp 10 lần các nước phát triển. Trẻ em ở nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp hai lần trẻ ở khu vực thành thị, và 55% trẻ tử vong do đuối nước thuộc các hộ gia đình nghèo ở nông thôn.
Do vậy, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em, luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, và các địa phương. Luật trẻ em đã quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Chương trình Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 bao gồm các can thiệp toàn diện, đa ngành nhằm giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, triển khai các giải pháp và mô hình dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, và tạo ra một môi trường an toàn cho trẻ em.
Để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban ngành. Vì vậy, Kế hoạch phối hợp liên ngành phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2022-2030 đã được ký kết giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với 9 bộ và các tổ chức đoàn thể có trách nhiệm liên quan.
Tại Hội thảo liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em tổ chức tại Nghệ An vào tháng 7 vừa qua, bà Kelly Larson, Giám đốc Chương trình Phòng chống Tai nạn Thương tích của Quỹ từ thiện Bloomberg, đánh giá cao cơ chế phối hợp đa ngành trong việc phòng, chống đuối nước tại Việt Nam. Với nhiều cách làm sáng tạo và nỗ lực của các cơ quan chức năng, Việt Nam đã trở thành một mô hình tiêu biểu về phòng, chống đuối nước trẻ em để các quốc gia khác học hỏi.
Bà Kelly Larson phát biểu tại Hội thảo liên ngành về phòng chống đuối nước trẻ em tại Nghệ An vừa qua |
Bên cạnh sự hợp tác đa ngành và cam kết của chính quyền địa phương, sự ủng hộ từ cộng đồng và gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ đuối nước. Bà Agarwal Vandana Shah, Phó Chủ tịch về Tăng cường Hệ thống Y tế của Tổ chức CTFK/GHAI tại Hoa Kỳ, cho biết: “Phòng chống đuối nước không thể chỉ là can thiệp từ chính phủ mà cần sự chung tay của nhiều bộ ngành và cộng đồng, đặc biệt là nhà trường và phụ huynh. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, các địa phương và đối tác nhằm tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhà trường và gia đình trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ trước nguy cơ đuối nước, đồng thời tạo điều kiện để trẻ tham gia các lớp học bơi sinh tồn.”
Bà Agarwal Vandana Shah nhấn mạnh đến vai trò của cộng đồng, nhà trường và gia đình trong phòng chống đuối nước trẻ em. |
Chương trình quốc gia Phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% số trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2025 và giảm 20% vào năm 2030. Dạy trẻ em các kỹ năng bơi an toàn và an toàn trong môi trường nước là một trong sáu giải pháp can thiệp dựa trên bằng chứng có chi phí thấp được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị, và là một phần quan trọng của chương trình phòng chống đuối nước của Chính phủ.
Các biện pháp khác trong chương trình bao gồm: đào tạo cứu hộ và sơ cấp cứu, cải thiện quy định về tàu thuyền, quản lý rủi ro khi lũ lụt, lắp đặt các rào chắn gần nguồn nước, và cung cấp các khu vực vui chơi an toàn, cách xa nguồn nước cho trẻ nhỏ. Bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân cũng mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, với nghiên cứu cho thấy mỗi 1.000 đồng đầu tư vào phòng chống đuối nước có thể tạo ra lợi ích lên đến 9.000 đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét